0934.993.822

Thực trạng công nghiệp Việt Nam thời gian qua

INhững thành tựu đạt được

Công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, những năm gần đây có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, một số ngành công nghiệp như: điện, điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, chế tạo thiết bị năng lượng, dệt may, da giày, xây dựng… đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống của nhân dân.

Trong 10 năm qua, công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý sau:

– Công nghiệp là ngành đóng góp ngày càng lớn trong nền kinh tế. Bình quân giai đoạn 2006 – 2017, công nghiệp chiếm hơn 30% trong GDP của cả nước. Ngành công nghiệp cũng là ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước.

– Sản xuất công nghiệp liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong giai đoạn 2006 – 2017, giá trị gia tăng công nghiệp tăng bình quân 6,79%/năm.

Năm 2018, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp tăng 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực công nghiệp và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016[1], đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục xu hướng giảm theo định hướng tái cơ cấu chung (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 10,2%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 9%), tuy thấp hơn mức tăng 11,3% của năm 2017 nhưng cao hơn mức tăng các năm 2012 – 2016[2]. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng với tốc độ cao, phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

– Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành. Đóng góp vào tăng trưởng GDP của công nghiệp chế biến, chế tạo liên tục tăng từ năm 2015. Tỷ trọng GDP của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 14,6% bình quân giai đoạn 2011 – 2015 lên 16,2% năm 2016, 17,4% năm 2017 và 18,3% ước cho năm 2018; của nhóm ngành khai khoáng giảm từ 8,8% bình quân giai đoạn 2011 – 2015 xuống 7,6% năm 2016, 6,6% năm 2017 và 6% ước cho năm 2018.

Một số ngành công nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là các ngành điện tử, dệt may, da – giày, chế biến thực phẩm… Tỷ trọng các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao và công nghệ trung bình ngày càng tăng. Đã có một số doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn và có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

– Công nghiệp trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức caocơ cấu sản phẩm công nghiệp xuất khẩu đã có sự dịch chuyển tích cực. Trong giai đoạn 2006 – 2016, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng gần 3,5 lần, chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng công nghiệp như da – giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới.

– Đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Điển hình như trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô là các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công; trong lĩnh vực sản xuất chế biến sữa và thực phẩm là Vinamilk, TH; trong lĩnh vực sắt thép, kim khí là Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Hòa Bình Minh, Công ty thép Pomina, Công ty CP thép Nam Kim… Đây là những tín hiệu tốt cho thấy các chủ trương chung của Đảng, cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo được niềm tin tưởng và hứng khởi cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển lớn, dài hạn trong các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước.

– Phát triển công nghiệp đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân. Lực lượng lao động trong ngành công nghiệp ngày càng tăng về số lượng. Bình quân mỗi năm, ngành công nghiệp tạo thêm khoảng 300.000 việc làm.

II. Những tồn tại và hạn chế

Mặc dù đạt được một số thành tựu, tuy nhiên, nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ yếu phát triển theo các mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Những hạn chế, tồn tại của công nghiệp Việt Nam chủ yếu gồm:

– Tăng trưởng công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp chưa thực sự là nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong nhiều năm qua, tỷ trọng của công nghiệp trong GDP thay đổi không lớn. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp có xu hướng tăng song vẫn ở mức thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa.

– Tái cơ cấu các ngành công nghiệp thực hiện còn chậm, chưa tạo ra những thay đổi đáng kể về cơ cấu ngành, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

– Trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp, chậm được đổi mới, nhất là đối với các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 – 3 thế hệ, đặc biệt là trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp).

– Công nghiệp chưa thu hút mạnh mẽ lao động để tạo ra sự dịch chuyển cơ cấu lao động chung của nền kinh tế đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa. Tỷ lệ lao động công nghiệp trong tổng lao động có việc làm của nước ta thấp hơn nhiều so với các nước khác đã thực hiện thành công công nghiệp hóa trong giai đoạn nửa đầu của thời kỳ dân số vàng.

– Nội lực của ngành công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khi việc chuyển giao công nghệ còn hạn chế; năng lực, hiệu quả của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước ở mức thấp.

– Năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp còn thấp, kém xa các nước khác trong khu vực và châu lục.

– Khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu tham gia vào khâu gia công, lắp ráp. Phần lớn các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có hàm lượng công nghệ thấp, ngoại trừ hàng điện tử chủ yếu do khu vực FDI nắm giữ. Số lượng sản phẩm công nghiệp chủ lực Việt Nam có lợi thế so sánh đang có xu hướng giảm.

          – Chất lượng năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp, có khoảng cách khá xa so với các nước khác.

          – Nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đã đề ra. Trong số các ngành ưu tiên theo xác định của Chính phủ, có các ngành công nghiệp ưu tiên có tốc độ tăng trưởng khá cao là dệt may, da – giày, thép, điện tử. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp này chỉ thực sự tham gia được ở một vài khâu có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất trong khi nguồn lực nhà nước hỗ trợ các ngành này thông qua ưu đãi về thuế là khá lớn. Nhiều ngành công nghiệp ưu tiên khác không đạt mục tiêu đã đề ra.

– Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đối với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp.

– Vốn đầu tư vào khu vực công nghiệp đa số tập trung vào các ngành có thời gian hoàn vốn ngắn như công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến thực phẩm, số dự án đầu tư vào công nghệ cao chưa nhiều.

– Liên kết vùng trong phát triển công nghiệp còn hạn chế và kém hiệu quả. Không gian phát triển công nghiệp hiện nay còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, thiếu sự hợp tác và phân công lao động trong vùng, chưa có sự phân bố hợp lý trên phạm vi toàn quốc dựa trên lợi thế so sánh. Việc kết hợp và lồng ghép chính sách phát triển ngành công nghiệp với chính sách phát triển vùng chưa hiệu quả, chưa xây dựng được mạng lưới các cụm công nghiệp.  

– Phát triển công nghiệp gắn kết chưa chặt chẽ với các ngành kinh tế khác, đặc biệt là nông nghiệp.

Ngành công nghiệp phát triển thiếu gắn kết chặt chẽ đã ảnh hưởng đến việc phát huy tối đa lợi thế của các ngành kinh tế khác, trong đó đặc biệt là nông nghiệp. Giữa công nghiệp và nông nghiệp là mối liên kết cộng sinh, không thể phát triển ngành này mà không cần đến sự phát triển của ngành kia, và ngược lại. Đối với công nghiệp, nông nghiệp là nguồn cung nguyên liệu đầu vào như mía, bông, trà, gạo, lúa mì… cho ngành công nghiệp chế biến. Ngược lại, đối với nông nghiệp, công nghiệp là ngành cung cấp công cụ lao động, máy móc thiết bị giúp nâng cao hiệu quả sản xuất như máy kéo, máy cày, máy thu hoạch, máy bơm nước, phân bón… tăng hiệu quả tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động xây dựng đường sá, chợ, siêu thị, nhà kho… Trong các chính sách phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là việc cơ khí hóa nông nghiệp và phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.